Rau má là loại rau quen thuộc thường sử dụng như thực phẩm ăn uống hằng ngày, đặc biệt đây được xem là loại thuốc quý trong y học với nhiều tác dụng tốt như thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sẩy, ngứa, trị táo bón, chữa mụn nhọt, hồi phục vết thương, giảm stress...

Tuy nhiên sử dụng rau má như thế nào cho đúng cách và những trường hợp không được sử dụng loại thảo mộc này không phải ai cũng biết.

Bài viết sau đây sẽ đưa ra những thông tin cần thiết về rau má cũng như cách sử dụng loại cây này.

Rau má là cây gì?

Cây rau má

Cây rau má còn được gọi là Tích tuyết thảo hoặc Lôi công thảo, là loài cây một năm thân thảo.

Thuộc phân họ Mackinlayoideae của họ Hoa tán (Apiaceae), nguồn gốc từ Australia, các đảo Thái Bình Dương, Melanesia, New Guinea, Malesia và châu Á.

Rau má được sử dụng như một loại rau dùng trong thực phẩm ăn uống hằng ngày.

Đặc điểm của cây rau má

Rau má có thân gầy và nhẵn, màu xanh lục hoặc lục có ánh đỏ, dạng thân bò lan, ở rễ có các mấu.

Các lá hình thận, cuống dài màu xanh, đỉnh lá tròn, gân lá dạng hình chân vịt trơn nhẵn.

Lá mọc ra từ cuống, độ dài từ 5-20cm. Rễ có các thân rễ, mọc thẳng đứng.

Đặc điểm cây rau má

Hoa rau má màu phớt đỏ hoặc trắng, mọc thành tán nhỏ và tròn gần mặt đất. Mỗi hoa được bao phủ một phần bởi 2 lá màu xanh.

Hoa có 2 vòi nhụy và 5 nhị, với 5-6 thùy tràng hoa và là hoa lưỡng tính.

Quả hình mắt lưới dày đặc, thường chín sau 3 tháng và tất cả các bộ phận của cây được thu hoạch thủ công.

Phân bố, thu hoạch rau má

Chi Centella L. có khoảng 40 loài, chủ yếu phân bố ở Nam Á và Đông Nam Á.

Ở nước ta, rau má mọc ở khắp nơi những khu vực ẩm ướt loại cây này đều phát triển tốt.

Mùa phát triển nhất là tháng 4-6 hằng năm.

Thành phần của cây rau má

Rau má có chứa các thành phần như: Triterpen, hợp chất polyacetylen, tinh dầu, flavonoid (kaempferol, quercetin), steroid (β- sitosterol, stigmasterol, campestrol).

tác dụng của rau má

Tác dụng của cây rau má

Rau má có vị đắng, có tính hàn, vào được ba kinh: Can, Tỳ và Thận. Công dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu viêm, giải độc.

Cao rau má điều trị các vết thương nhiễm trùng, điều trị bỏng… với các cách dùng cụ thể như sau:

1. Chữa đau bụng, đi lỵ, đia ỉa lỏng

Mỗi ngày lấy 30-40g cả cây và lá rửa sạch, nhai sống cùng chút muối. Hoặc có thể luộc lên ăn như rau.

(Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi)

2. Phụ nữ đến ngày kinh nguyệt gây đau bụng, đau lưng

Rau má thu hái thời điểm đang ra hoa, mang phơi khô, tán bột. Mỗi lần lấy ra hai thìa cà phê gạt ngang uống vào buổi sáng.

(Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi)

3. Trị rôm sảy, mẩn ngứa

Mỗi ngày hái 30-40g Rau má, rửa sạch, giã nắt, vắt lấy nước, pha thêm đường uống. Hoặc có thể trộn với dầu dấm rồi ăn.

(Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi)

4. Chữa trong bụng xốn xáo, nóng ruột, đau bụng dưới không muốn ăn, nhiệt uất sinh nóng rét qua lại, trẻ em cam nhiệt, đơn độc sưng tấy, mụn nhọt lở ngứa

Lấy một nắm Rau má tưới giã nhỏ, chế nước chín, vắt lấy nước cốt, hòa thêm tí đường rồi uống. Hoặc có thể sắc lên để uống.

(Thuốc đặc trị gia truyền – Lương y Nguyễn Kiều)

5. Chữa cảm sốt, khát nước, đái đỏ, nhức đầu, hoặc trẻ em gầy khô, không chịu ăn, da nóng, hoặc đơn sưng, nổi mẩn ngứa, hoặc phụ nữ có thái nóng ruột chán cơm, đại tiện không thông, thường đau bụng vắt

Lấy Rau má và Rau sam mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, chế với một chén nước nguội, vắt lấy nước cốt uống.

Hoặc dùng Rau má, Sắn dây và Rau sam mỗi thứ 30g sắc uống.

(Thuốc đặc trị gia truyền – Lương y Nguyễn Kiều)

Một số món ăn từ rau má

Thành phần dinh dưỡng trong 100 gam dịch chiết rau má có: 88.2g nước, 1.8g chất carbohydrate, 3.2g chất đạm protein, 4.5g cellulose, 0.15mg vitamin B1, 3.7mg vitamin C, 2.29mg Calcium, 3.1mg Sắt, 2mg Phospho, 1.3mg β carotene (tiền vitamin A).

Như vậy có thể thấy hàm lượng dinh dưỡng trong rau má rất đa dạng và bổ dưỡng cho cơ thể.

Vì vậy, thay vì sử dụng truyền thống rau má tươi khó uống vì mùi của nó, các bà nội trợ có thể chế biến nhiều món ăn ngon mà vẫn đảm bảo cung cấp vitamin khoáng chất cần thiết cho cơ thể theo nhu cầu mỗi ngày.

1. Gỏi rau má trộn tôm thịt bò

gỏi rau má trộn tôm thịt bò

Nguyên liệu làm món này rất đơn giản, chỉ cần rau má tươi và thịt bò cùng nước trộn gỏi chua cay đã tạo ra được món gỏi rau má ngon dễ ăn.

Với vị bùi của rau má và vị ngọt của thịt bò, món gỏi này thích hợp là món khai vị trong bữa ăn.

2. Canh rau má

canh rau má

Canh rau má được chế biến theo nhiều cách tùy sở thích của mỗi người. Có thể nấu với tôm, hến hoặc thịt lợn xay đều được.

Món canh này giải nhiệt tốt, ăn nóng rất ngon, thích hợp làm món canh hằng ngày cho mùa hè.

3. Chân gà hấp rau má

chân gà hấp

Nguyên liệu là 4 Chân gà, 10g Rau má, Hành hương, Hành lá, Muối tiêu và Hạt nêm.

Chân gà rửa sạch ngâm nước muối 10 phút rồi lột bỏ lớp da. Sau đó ướp với hạt nêm 5 phút cho ngấm gia vị.

Xếp chân gà, hành lá vào nồi hấp cho chân gà chín rồi thêm rau má, hành hương thái nhỏ vào, tắt bếp đậy kín nắp vung.

Cả nhà sẽ được thưởng thức món chân gà với mùi thơm từ rau má và hành xông vào cánh mũi.

4. Sinh tố rau má nước dừa

sinh tố rau má nước dừa

Nguyên liệu là 200g Rau má tươi, 1 Quả dừa, 3 muỗng Đường phèn, một ly nước lọc.

Cách làm rất đơn giản, chỉ cần xay rau má, vắt lấy nước bỏ bã, sau đó pha thêm đường và nước dừa tươi, để lạnh thì uống ngon hết sảy mà lại rất thanh mát cho mùa hè.

5. Trà rau má

trà rau má

Có nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp hiện nay đã sản xuất trà rau má bằng cách khá đơn giản từ rau má tươi, đưa vào lò sấy và sản xuất ra trà.

Trà rau má rất tiện dụng để pha uống hằng ngày.

Những trường hợp không nên sử dụng rau má

1. Phụ nữ mang thai và cho con bú

Sở dĩ đây là đối tượng không nên sử dụng vì rau má có khả năng gây sảy thai ở phụ nữ mang thai.

2. Người bị chứng tiểu đường

Nếu người bị tiêu đường dùng quá nhiều rau má trong một ngày hoặc dùng thường xuyên sẽ làm tăng lượng đường trong máu, gây tình trạng bệnh trầm trọng hơn

3. Những người hiếm muộn mong muốn thụ thai

Nếu bạn mong muốn có thai thì không nên sử dụng rau má vì chúng gây giảm khả năng thụ thai ở nữ giới.

4. Những người đang dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần

Không nên sử dụng rau má thường xuyên với hàm lượng lớn vì rau má có thể tương tác với các loại thuốc này làm giảm hiệu quả của thuốc trong điều trị.

Vì vậy một người trung bình mỗi ngày có thể dùng 40g rau má tuy nhiên không duy trì dùng quá 1 tháng. Sau mỗi đợt dùng cần nghỉ ít nhất nửa tháng mới nên tiếp tục dùng đợt tiếp theo.

4.7/5 - (3 bình chọn)