Trong bài viết này, Cây Thuốc Dân Gian sẽ chia sẻ với bạn đọc về đặc điểm của cây gừng, cũng như các công dụng trong chữa bệnh.
Mục Lục
Gừng là cây gì?
- Tên gọi khác: Sinh khương, Can khương, Bào khương.
- Tên tiếng Anh: Zingiber (Anh).
- Tên tiếng Pháp: Gingembre, Amome des Indes.
- Tên khoa học: Zingiber officinale Rose.
- Họ: Gừng (Zingiberaceae).
Gừng là một loài thực vật hay được dùng làm gia vị, thuốc. Nó thuộc cây thân thảo, cao khoảng 1m. Thân rễ nạc, phát triển thành củ, phân nhánh xòe ra giống hình bàn tay, màu vàng nhạt, có mùi thơm cay.
Lá mọc so le, hình mác, có gân giữa hơi trắng nhạt, không có cuống, khi vò lá có mù thơm.
Trụ hoa dài khoảng 20cm, mang cụm hoa hình bông, mỗi cụm có nhiều hoa mọc sít nhau.

Hoa gừng Ấn Độ
Hoa màu vàng xanh, mép cánh hoa màu tím, nhị cũng màu tím. Đài hoa dài 1cm, có 3 răng ngắn, 3 cành hoa dài 2cm. Quả mọng.
Dược liệu:
Là phần củ gừng không có hình dạng nhất định, phân nhánh, dài 3-7cm, dày chừng 1cm. Mặt ngoài có màu vàng nhạt hoặc màu trắng tro, có đốt tròn và vết nhăn dọc. Vết bẻ có màu trắng tro hoặc ngả vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có sợi thưa và nhiều chấm sáng.
Phân bố và thu hái cây gừng
Cây được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, trong đó Nhật Bản là nước trồng gừng nhiều nhất thế giới và được xem như một loại cây gia vị.
Ở Việt Nam, cây được trồng khắp cả nước, từ vùng núi đến đồng bằng để lấy củ.
Gừng tươi thường được đào tươi vào mùa hạ và thu, Cắt bỏ lá và rễ con, muốn dùng gừng tươi (sinh khương) thì cho vào chậu và phủ đất lên, khi dùng thì đào lên rửa sạch.
Còn dùng gừng khô (can khương) thì đào củ vào mùa đông, cắt bỏ lá, rễ, rửa sạch và phơi khô.
Thành phần của cây gừng
Gừng có chứa 2-3% tinh dầu, 5% chất nhựa dầu, 3,7% chất béo, tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola.
Trong tinh dầu có thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: ampha curcumenen 17%, beta zingiberen 35%, beta farnesen 10% và một lượng nhỏ hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalool, borneol. Ngoài ra còn có ampha camphen, beta pheladren, eucalyptol và các gingerol.
Nhựa dầu có 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay.
Theo đông y, gừng có vị cay, tính ôn, có tác dụng tiêu đờm, giải cảm, chữa ho, chân tay lạnh và kích thích tiêu hóa.
Tác dụng chữa bệnh của cây gừng
1. Ho có kèm cảm, đầu nhức, xổ mũi, ho khan, về đêm ho nhiều, có đờm vàng hoặc xanh, ngực đau khó thở, kéo dài cả tháng nếu không trị kịp thời
Bài thuốc:
- Gừng tươi: 100g;
- Lá húng chanh: 100g;
- Lá củ sả: 100g;
- Lá bạc hà: 100g;
- Rượu trắng: 1 lít.
Cách dùng:
- Dùng tươi tất cả, đem xát lát, cho vào ngâm rượu.
- Uống mỗi ngày 2 chén hạt mít, uống buổi sáng và chiều.
(Thuốc đặc trị gia truyền – Lương y Nguyễn Kiều)
Lưu ý khi dùng gừng
- Nếu đang dùng thuốc aspirin và coumarin thì phải dùng gừng cách xa 4 giờ, tránh dùng chung.
- Không dùng gừng khi bị cảm nắng, sốt cao không lạnh, vã mồ hôi.
- Không dùng quá nhiều gừng, nhiều ngày liên tiếp cho người bị tiểu đường, bệnh tim, phụ nữ có thai.
- Gừng bị dập hỏng có một loại chất cực độc là safrol, chất này có khả năng làm biến tính, hủy hoai tế bào gan dẫn đến ung thư gan.
Những bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi áp dụng người bệnh nên hỏi ý kiến của thầy thuốc.